ViệnVn - Blog lưu trữ tổng hợp

Ninh Bình đẹp như cõi tiên qua ống kính du khách quốc tế

Cảnh quan kỳ vĩ của danh thắng Tam Cốc, vẻ uy nghiêm của bảo tháp chùa Bái Đính, nét trầm mặc của đền thờ vua Đinh ở Cố đô Hoa Lư... là nhữn...

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Tình khúc Trịnh Công Sơn bất hủ - Diễm xưa, Một cõi đi về - 80 bài

Tình khúc Trịnh Công Sơn bất hủ - Diễm xưa, Một cõi đi về bao gồm: 80 bài hát nổi tiếng.
0

Tuyệt phẩm Vũ Thành An

Vũ Thành An (sinh năm 1943 là một trong những nhạc sĩ nổi bật của miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954 - 1975. Các "Bài không tên" là những tác phẩm nổi tiếng của ông. Hiện nay, ông là một phó tế của Giáo hội Công giáo Rôma, đã ngừng sáng tác nhạc tình ca mà chỉ sáng tác thánh ca
0

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2020

Tình khúc mùa đông sâu lắng - Giọt lệ sầu

Tình khúc mùa đông sâu lắng kỹ niệm xưa - Hoa vàng mấy độ, Giọt lệ sầu,... Những tuyệt phẩm âm nhạc bất hủ.
0

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Nga sắp thử nghiệm vaccine Covid-19 Sputnik V giai đoạn ba trên 40.000 người


Nga đang tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba với vaccine Sputnik V trên ít nhất 2.000 người và chuẩn bị thử nghiệm diện rộng với 40.000 người.

"Đợt thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá hiệu quả, khả năng tạo miễn dịch và độ an toàn của vaccine Sputnik V sẽ bắt đầu tại Nga từ tuần sau, với sự tham gia của 40.000 người tình nguyện thuộc những nhóm nguy cơ khác nhau tại hơn 45 trung tâm y tế", Arseniy Palagin, thư ký báo chí Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), tổ chức hỗ trợ tài chính cho Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gamaleya, cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến tối 20/8.

Đại diện RDIF thêm rằng thử nghiệm Giai đoạn ba đã được tiến hành trên 2.000 người tại Nga từ ngày 12/8, một ngày sau khi vaccine Sputnik V được Bộ Y tế Nga cấp phép.

Sputnik V do Viện Gameleya phát triển, là vaccine đầu tiên trên thế giới được chính phủ phê duyệt và đưa vào sản xuất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia huy động kinh phí và công sức nghiên cứu chưa từng có để gấp rút ra mắt loại vaccine có thể bảo vệ hàng tỷ người trên thế giới.

Nga, Mỹ và Trung Quốc là những nước dẫn đầu "cuộc chạy đua" sản xuất vaccine Covid-19 đầu tiên. Theo dữ liệu dự thảo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tuần qua, hiện có 29 loại vaccine đang được đánh giá lâm sàng.

Tuy nhiên, nhiều nước phương Tây cho rằng Nga đã "đốt cháy giai đoạn" trong quá trình phát triển vaccine và cấp phép cho Sputnik V trước khi tiến hành thử nghiệm Giai đoạn ba trên hàng nghìn người.

Thử nghiệm lâm sàng, hay thử nghiệm Giai đoạn ba, là bước thử nghiệm quan trọng trên quy mô lớn. Quá trình này đòi hỏi một tỷ lệ người tham gia nhất định được tiêm vaccine để theo dõi hiệu quả cũng như tác dụng phụ có thể xảy ra, thường được coi là tiền đề cần thiết giúp vaccine được cơ quan quản lý chấp thuận.

Trước những cáo buộc của các nước phương Tây, các quan chức Nga, trong đó có Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, khẳng định những hoài nghi về vaccine này là vô căn cứ.

"Chúng tôi đã chứng kiến một số quốc gia tiến hành chiến tranh thông tin chống lại Nga, nhưng phần lớn các nước đều muốn tìm hiểu về cơ chế hoạt động của loại vaccine này. Chúng tôi không muốn chính trị hóa vaccine, càng có nhiều loại vaccine thì nhân loại càng được hưởng lợi", giám đốc điều hành RDIF Kirill Dmitriev nói trong cuộc họp báo hôm nay.

Giới chức Nga cho hay khoảng 20 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm về vaccine Covid-19 của họ, đồng thời Moskva đã nhận được đơn hàng chế tạo khoảng một tỷ liều vaccine.

Tuy nhiên, Aleksander Gintsburg, giám đốc Viện Gameleya, lưu ý vaccine Sputnik V sẽ không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021 vì phải mất 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra.

Theo VnExpress
0

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

1.400 nhà đầu tư Nhật Bản xem xét mở rộng sản xuất sang Việt Nam


Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), 41% công ty Nhật Bản với khoảng 1.400 doanh nghiệp đang hướng đến Việt Nam để mở rộng sản xuất. JETRO nhấn mạnh, giới đầu tư Nhật Bản chuyển trọng tâm sang Châu Á do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Việt Nam và Nhật Bản cũng ưu tiên thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu. Lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi đã bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai nước.

41% doanh nghiệp Nhật Bản xem xét mở rộng sản xuất tại Việt Nam

Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), ngày càng nhiều công ty Nhật muốn mở rộng kinh doanh ở Đông Nam Á và thu nhỏ hoạt động tại Trung Quốc do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.

Hãng tin Kyodo trích dẫn một cuộc khảo sát của JETRO được thực hiện vào cuối năm ngoái, cơ quan do chính phủ Nhật Bản hậu thuẫn cho biết, theo một báo cáo thương mại và đầu tư hàng năm, có đến 41% (tức khoảng 1.400 doanh nghiệp công ty Nhật Bản) đang xem xét mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong ba năm tới, tăng 5,5% so với một năm trước đó.

Báo cáo công bố ngày 30/7 trích dẫn cuộc khảo sát cho biết 36,3% người được hỏi đưa ra câu trả lời tương tự cho Thái Lan, tăng 1,5%, trong khi 48,1% nói rằng họ sẽ thúc đẩy kinh doanh ở Trung Quốc, giảm 7,3%.

“Kể từ năm 2018, căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy việc đầu tư của các công ty Nhật Bản vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”, báo cáo cho biết.

“Khoảng cách giữa lượng đầu tư (Nhật Bản) vào ASEAN và Trung Quốc đã mở rộng từ 10,2 tỷ yên vào năm 2017 lên 20,4 tỷ yên (191 triệu USD) vào năm 2019”, số liệu thống kê ghi nhận.

Nói về những động thái hướng tới việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu, một doanh nghiệp sản xuất thép, kim loại màu và gia công các bộ phận kim loại ở Tokyo cho biết họ đã chuyển một phần chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan và chuyển các mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan.

Một nhà sản xuất thép và kim loại màu ở vùng Shikoku, miền tây Nhật Bản, cho biết họ đang có kế hoạch chuyển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Cuộc khảo sát, được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12, với sự tham gia của 9.975 công ty Nhật Bản, cho biết có khoảng 3.562 doanh nghiệp (tương đương 35,7%) quan tâm nhiều đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Trong khi đó, khoảng 80% các công ty Nhật Bản hoạt động ở nước ngoài dự báo rằng doanh số bán hàng sẽ giảm vào năm 2020 so với năm trước do nhu cầu thu hẹp sau đại dịch Covid-19, theo báo cáo hàng năm.

Ở châu Á, có đến 91,4% công ty Nhật Bản hoạt động ở Ấn Độ, 89,4% ở Malaysia, 88,4% ở Thái Lan, 85,3% ở Philippines và 84,4% ở Indonesia đưa ra dự báo tương tự. Đại dịch cũng đã làm giảm đáng kể đầu tư của Nhật Bản vào thị trường châu Á.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, đầu tư của Nhật Bản vào Indonesia giảm 75% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giảm 35,5% đối với toàn ASEAN.

Trước đó, hồi tháng 7, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội Takeo Nakajima nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh nên doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng sớm khôi phục sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo ông Takeo Nakajima, về dài hạn, trong 10-15 năm tới, việc mở rộng cơ sở sản xuất của giới đầu tư Nhật sẽ được tăng cường và Việt Nam có thể trở thành thị trường tiềm năng vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ nội địa.

Việt Nam – Nhật Bản thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng

Trước đó, vào đầu tháng 8, theo cơ chế luân phiên, Kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng được tổ chức tại Việt Nam theo hình thức họp trực tuyến.

Tại cuộc họp này, với lãnh đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Kajiyama Hiroshi đã bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hợp tác kinh tế -thương mại giữa hai nước, đặc biệt là thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng.

Điểm đáng chú ý trong kỳ họp lần thứ 4 này, hai Bộ trưởng bày tỏ hài lòng về những kết quả hợp tác giữa hai bên kể từ Kỳ họp lần thứ 3 của Uỷ ban hỗn hợp Việt Nam Nhật Bản, đặc biệt là kết quả hợp tác trong các khuôn khổ ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác năng lượng, hợp tác trong ngành công nghiệp ô tô, hóa chất, đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Hà Nội.

Trên thực tế, cơ chế Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo duy trì, không gián đoạn và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh do coronavirus đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thế giới, khu vực nói chung và hoạt động giao thương giữa hai nước nói riêng.

Hai Bộ trưởng nhất trí việc hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng giữa hai Bên trong thời gian tới cần bám sát theo các mục tiêu của Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN-Nhật Bản về sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19 và Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN-Nhật Bản.

Tại cuộc họp, đồng chí Trần Tuấn Anh và ông Kajiyama Hiroshi cùng xác định phương hướng tăng cường hợp tác song phương thời gian tới, trong lĩnh vực công nghiệp, đồng thời, khẳng định cần tính tới nhiều yếu tố khác nhau bao gồm tính đa dạng, minh bạch và bền vững trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc, có khả năng chống chịu tác động.

Đối với vấn đề này, hai Bộ trưởng nhất trí tầm quan trọng của việc thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng giữa hai nước ngày càng chặt chẽ, bền vững hơn thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ đa dạng hóa cơ sở sản xuất hàng hóa, nguyên liệu ở nước ngoài. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam để thực hiện mục tiêu này.

“Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Nhật Bản hỗ trợ phát triển nhân lực cho Việt Nam?

Về việc hợp tác nâng cao năng lực và sức cạnh tranh công nghiệp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao đóng góp của các hỗ trợ kỹ thuật từ Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực trong những năm qua.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, rất vui mừng trước việc dự án tại Việt Nam nằm trong sáng kiến của Nhật Bản về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm điều khiển ô tô trong các nước ASEAN sẽ được triển khai đầu tiên trong năm 2020 này.

Hợp tác giữa hai Bên trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực sẽ có ý nghĩ hơn thông qua việc nhân rộng mô hình đào tạo “kỹ thuật gắn liền với kỹ năng thực hành và sáng tạo” (mô hình KOSEN) tại các cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương.

“Hợp tác này nhằm nâng cao năng lực và tạo thêm giá trị gia tăng cho một số ngành công nghiệp chủ chốt tại Việt Nam như hóa chất, dệt may, công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ”, ông Trần Tuấn Anh cho biết.

Đặc biệt bằng cách tận dụng sự hợp tác của khu vực công và tư nhân về chuyển đổi kỹ thuật số, chẳng hạn như chương trình hợp tác trực tuyến mới do Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) và các cơ quan hữu quan của Việt Nam khởi xướng.

Cùng với đó, hai Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác hơn nữa trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ số cũng như sản xuất thông minh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Nhận thức được tính tất yếu của việc thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm và phát triển khung chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0.

Liên quan đến mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng phát triển hơn do những thách thức mà Covid-19 đặt ra, các Bộ trưởng của Việt Nam và Nhật Bản tái khẳng định sẽ tiếp tục phấn đấu vì một môi trường thương mại và đầu tư tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể dự đoán và ổn định, để giữ cho thị trường mở và để duy trì hệ thống đa phương dựa trên luật lệ trong khuôn khổ các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các Bộ trưởng khẳng định lại cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nhất trí ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nhau tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại đa phương mà hai bên cùng tham gia, đặc điểm địa lý tại các cuộc họp đa phương bao gồm ASEAN + 3, EAS và APEC.

Đối với lĩnh vực năng lượng, hai Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi với nguồn cung cấp năng lượng sạch và giá cả phải chăng, ổn định trong việc hỗ trợ các hoạt động kinh tế và cách thức tận dụng tất cả các nguồn năng lượng và công nghệ, trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19.

Phía Việt Nam và Nhật Bản đều chia sẻ quan điểm Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn là rất quan trọng đối với cả hai nước. Hai vị lãnh đạo nhất trí rằng Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục quan tâm đến dự án trên cơ sở các điều kiện hai bên đã thỏa thuận.

Theo: https://vn.sputniknews.com/business/202008179372666-cuoc-thao-chay-khoi-trung-quoc-1400-nha-dau-tu-nhat-ban-chon-viet-nam/
0

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2020

Nhạc cho bà bầu - số 6



Âm nhạc cho bà bầu giúp cho thai nhi phát triển thông minh, mạnh khỏe
0

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Hình nền cực đẹp cho máy tính

Các bạn đang cần hình ảnh đẹp để làm mới hình nền máy tính của bạn, giúp các bạn không nhàm chán và đôi khi giúp các bạn có động lực hơn khi học tập và làm việc với máy tính. Dưới đây là hình nền máy tính cực đẹp với độ phân giải full HD cùng với rất nhiều chủ đề: hình ảnh thiên nhiên, con vật, các loại hoa, bãi biển,... các bạn có thể dễ dàng lựa chọn một hình ảnh phù hợp.

0

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Tên đại Việt gian, tội đồ số 1 của dân tộc Việt Nam


Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm thuộc địa Đông Dương. Vấn đề quan trọng nhất đối với quân Nhật là duy trì bằng được "trật tự và ổn định" nhằm tìm nguồn cung ứng vật chất tại chỗ cho gần 100.000 lính Nhật, cũng như để cung cấp cho việc phòng thủ nước Nhật trước đà tấn công của quân Đồng Minh. Tuy nhiên, đúng lúc đó, bộ máy hành chính thực dân mà Nhật kế thừa từ Pháp đã tan rã, vì thế việc thành lập bộ máy cai trị bản xứ đặt ra như một đòi hỏi cấp bách.
0

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Đằng sau chiến lược chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Bắc Kinh đang từng bước tiến đến mục tiêu buộc cộng quốc tế chấp thuận các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Biển Đông. Cứ mỗi thập kỷ trôi qua, Bắc Kinh lại đạt được một bước tiến mới trong nghị trình của mình.


Bắc Kinh đang từng bước tiến đến mục tiêu buộc cộng quốc tế chấp thuận các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với Biển Đông. Cứ mỗi thập kỷ trôi qua, Bắc Kinh lại đạt được một bước tiến mới trong nghị trình của mình. Trong những năm 1970, Trung Quốc tập trung phần lớn nỗ lực vào việc đưa ra các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, nằm ở phía Bắc Biển Đông và gần với Trung Quốc.

Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm đóng Đá Gạc Ma của Việt Nam vào năm 1988 là động thái gây bất ngờ. Trong khi đó, điểm nổi bật của những năm 1990 là chiến lược “xâm chiếm từ từ”, mà kết quả đáng chú ý là các cấu trúc được xây dựng tạm thời trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa ở phía Nam Biển Đông. Năm 1999, Bắc Kinh bắt đầu tìm cách áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đối với các nước khác ở vùng biển này trong các tháng mùa Hè, thể hiện quyền kiểm soát hành chính của Trung Quốc đối với khu vực này.

Xu hướng này lên đến đỉnh điểm trong kỷ nguyên Tập Cận Bình, khi Trung Quốc có những hành vi ứng xử trơ trẽn theo kiểu nước lớn. Việc Trung Quốc quấy rối các tàu nước ngoài đang đánh bắt cá hay khai thác tài nguyên, và thậm chí còn lao thẳng vào những tàu này, đã trở nên phổ biến ở khu vực phía Nam “đường 9 đoạn” do chính Trung Quốc vạch ra.

Tất nhiên, Tập Cận Bình đã giám sát việc xây dựng ba căn cứ khá lớn trên các bãi đá nhân tạo, tạo điều kiện cho sự hiện diện lâu dài của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở khu vực phía Nam Biển Đông. Các động thái phản đối của cộng đồng quốc tế – bao gồm khiếu nại của các nước Đông Nam Á, phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đối với Trung Quốc và một loạt hoạt động tự do hàng hải của Mỹ – cũng không thể ngăn chặn các hành động nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.

Việc đạt được mục tiêu ở Biển Đông sẽ mang lại cho Bắc Kinh những lợi ích to lớn về kinh tế, chính trị và chiến lược. Họ sẽ có quyền ưu tiên đối với các nguồn tài nguyên trên biển như cá và các nguồn tài nguyên dưới đáy biển như dầu lửa, khí đốt và khoáng sản. Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể củng cố tính hợp pháp của mình bằng cách rêu rao với công chúng trong nước rằng Trung Quốc đã đánh bại các nỗ lực nước ngoài nhằm xâm chiếm lãnh thổ “của họ”. Và Trung Quốc sẽ cải thiện đáng kể vị thế chiến lược của mình trong khu vực.

Yêu sách của Trung Quốc mơ hồ một cách có chủ ý. Bắc Kinh từ chối lập quan điểm của mình theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), trong đó Trung Quốc là một bên ký kết. Thay vào đó, họ vạch ra “đường 9 đoạn” và thường xuyên lặp lại tuyên bố về cái mà họ cho là chủ quyền không thể tranh cãi đối với tất cả các hòn đảo ở Biển Đông và các vùng biển lân cận.

Xét tới những hành vi ứng xử thực tế của các quan chức Chính phủ Trung Quốc và các đội tàu đánh cá được huy động tham gia lực lượng quân sự của nước này ở Biển Đông, có thể thấy Bắc Kinh dường như đang cân nhắc coi phần lớn vùng biển này là lãnh hải của họ.

Theo UNCLOS, các tàu chiến nước ngoài được phép đi qua mà không gây hại tới các vùng lãnh hải của các nước, nhưng Trung Quốc thường xuyên lên án việc các tàu chiến Mỹ đi qua khu vực Biển Đông. Các hành động của Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh tin rằng nước này có quyền đưa ra các quy định ở Biển Đông, sở hữu các nguồn tài nguyên ở biển và ngăn chặn máy bay và tàu chiến nước ngoài.

Thành công của Trung Quốc bắt nguồn chủ yếu từ ba đặc điểm trong chính sách Biển Đông của nước này. Thứ nhất là ảnh hưởng đòn bẩy. Để đạt được các mục tiêu chính trị, Bắc Kinh đã lợi dụng ưu thế là một nước lớn mạnh hơn so với các đối thủ. Trung Quốc đã khai thác sức mạnh công nghiệp, đặc biệt là năng lực đóng tàu, để triển khai đến Biển Đông một lực lượng gồm các tàu chiến, tàu hải cảnh và máy bay quân sự đông đảo hơn bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền ở đây. Hơn nữa, Bắc Kinh thường xuyên kêu gọi các đội tàu đánh cá dân sự của mình, vốn hùng hậu nhất ở Biển Đông, thực hiện sứ mệnh hỗ trợ các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Quan điểm của Bắc Kinh về các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa trên nguyên tắc song phương, giữa Trung Quốc với một nước khác có yêu sách, và sức mạnh vượt trội của Trung Quốc. Trung Quốc lớn mạnh hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ nào có yêu sách và điều này tạo lợi thế cho họ trong các cuộc đàm phán. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ bất kỳ gợi ý nào về các cuộc đàm phán đa phương, vốn cho phép ít nhất hai nước có yêu sách phối hợp với nhau để đối trọng với Trung Quốc. Sự phụ thuộc của các nước trong khu vực vào thương mại và đầu tư của Trung Quốc đã đặt Bắc Kinh vào vị thế có thể yêu cầu các bên làm theo ý mình.

Ảnh hưởng của Trung Quốc thể hiện rõ trong việc Campuchia ngăn chặn những chỉ trích về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc cũng đã gây sức ép kinh tế đối với Philippines trước khi Tổng thống Duterte thể hiện ý định sẵn sàng đánh đổi cơ hội bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của nước mình để nhận thêm viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Mặc dù là nước mạnh nhất trong số các quốc gia bị coi là đối thủ của Trung Quốc vì cũng có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nhưng Việt Nam lại phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc và do đó rơi vào những xung đột về lợi ích.

Đặc điểm thứ hai đóng góp vào thành công của Trung Quốc là những cam kết giả tạo. Mặc dù tham gia các hoạt động mang tính côn đồ ở Biển Đông, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn luôn cam kết tuân thủ nguyên tắc hòa bình, hài hòa và đạo đức. Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và không xâm lược hay bắt nạt các nước khác, ngay cả khi là một siêu cường. Để chứng minh điều này, Bắc Kinh đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc giảm bớt căng thẳng, ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và tham gia các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Những hành động này nhằm che đậy ý định thực sự của Trung Quốc và dẫn tới quan điểm lạc quan thiếu căn cứ rằng các ví dụ về hành vi ứng xử hung hăng của Trung Quốc là những hiện tượng bất thường, bị giới hạn trong một số trường hợp cụ thể hay do một bên nào đó thực hiện mà chưa được phép của Bắc Kinh. Sự nhìn nhận vấn đề theo hướng này sẽ làm gia tăng bất đồng giữa các nước trong khu vực về cách thức đối phó với Trung Quốc, tạo cơ hội cho Bắc Kinh gây chia rẽ và chinh phục các nước.

Tuy nhiên, cách giải thích thuyết phục hơn gồm hai ý. Một là, Bắc Kinh có lợi ích rõ ràng trong việc che giấu các hành động của mình dưới vỏ bọc nhân từ nhằm hạn chế sự hợp tác an ninh giữa các nước đang cảm thấy bị đe dọa và muốn chống lại Trung Quốc. Hai là, do tư tưởng văn hóa-chính trị truyền thống và quyết tâm cai trị, Trung Quốc cảm thấy sức ép buộc họ phải duy trì vai trò lãnh đạo hợp pháp của mình ở trong nước.

Điều này dẫn tới việc Chính phủ Trung Quốc khăng khăng cho rằng thế giới không có gì phải lo ngại về chính sách đối ngoại của họ, ngay cả khi sự bất an của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở trong nước đã thúc đẩy Bắc Kinh thể hiện các quan điểm dân tộc chủ nghĩa khiến căng thẳng với các nước khác gia tăng.

Do vậy, những sự bảo đảm mà Bắc Kinh đưa ra xét cho cùng đều không có cơ sở. DOC bao gồm các cam kết không đưa người đến sinh sống trên các cấu trúc địa hình hiện không có người ở và không tham gia các hoạt động gây căng thẳng hay làm leo thang xung đột, những điều mà Trung Quốc rõ ràng đã phớt lờ khi đổ cát lên các rạn san hô để xây dựng các căn cứ quân sự ở một khu vực rộng tới hơn 1.200 ha. Trong khi đó, các cuộc đàm phán về COC đã kéo dài 24 năm và Bắc Kinh vẫn phản đối những từ ngữ mà có thể vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy một điều khoản hạn chế các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông.

Các tàu thuyền của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn được nhiều nước chấp nhận về các hành vi chuyên nghiệp và an toàn theo quy định của Công ước quốc tế năm 1972 về việc ngăn chặn các vụ va chạm trên biển và Bộ quy tắc tránh va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) năm 2014. Ví dụ điển hình là việc các quan chức Trung Quốc bác bỏ mọi hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông, ngay cả khi đối mặt với những thực tế phản ánh điều ngược lại như việc tàu Trung Quốc cắt đứt dây cáp của các tàu nước khác năm 2011.

Đặc điểm thứ ba là điều chỉnhcác hành vi hung hăng. Trung Quốc kiên trì thúc đẩy các lợi ích của nước này ở Biển Đông, gây phương hại đến lợi ích của các nước khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thận trọng lựa chọn địa điểm, thời điểm và phương thức gây áp lực để hạn chế tối đa các phản ứng trái ngược. Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhận định chính xác rằng Mỹ sẽ không gây chiến với Trung Quốc để ngăn chặn việc nước này xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo đá chiếm đóng.

Việt Nam là nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bị thiệt hại nhiều nhất do các cuộc tấn công bạo lực của Trung Quốc. Việt Nam không có thỏa thuận hợp tác an ninh với Mỹ. Bắc Kinh đã lựa chọn tháng 4/2020, thời điểm đỉnh dịch, để đưa ra tuyên bố về cái mà các phương tiện truyền thông của nước này gọi là “động thái hành chính quan trọng” – thành lập hai quận mới ở Biển Đông, trong đó có một quận quản lý cả khu vực đảo Trung Sa, vốn trên thực tế là một đảo san hô chìm cách mặt biển từ 9-18 m.

Chính phủ Trung Quốc tổ chức lực lượng thành ba cấp độ để thực thi chính sách trên biển: tàu Hải quân PLA, tàu hải cảnh và các tàu đánh cá dân sự. Nhìn chung, Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng lực lượng ở cấp độ thấp nhất để hoàn thành nhiệm vụ nhằm giảm dần ấn tượng của các nước về họ như một nước chuyên bắt nạt. Ví dụ, trong những tháng gần đây, một loạt tàu đánh cá của Trung Quốc, tắt hết các hệ thống tiếp sóng vô tuyến và không tham gia đánh bắt cá, đã bao vây đảo Thị Tứ do Philippines chiếm đóng trong một nỗ lực rõ ràng nhằm đe dọa Manila và buộc họ phải rút lui.

Chiến thuật đâm đụng phổ biến hiện nay của Trung Quốc ít có tính khiêu khích hơn so với việc nổ súng và thường tỏ ra hiệu quả trong việc giành chiến thắng trên biển. Thậm chí, các tàu Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa đụng độ để xua đuổi các tàu chiến của Hải quân Mỹ. Việc Trung Quốc sử dụng tia laser để quấy nhiễu máy bay của các nước khác là một biểu hiện mới của hành vi ứng xử của Bắc Kinh. Các tia laser gây nguy hiểm cho các máy bay chứ không trực tiếp gây chết người.

Chính sách hiện nay của Trung Quốc là tiến hành và bác bỏ. Sau khi Hải quân Mỹ cáo buộc một tàu khu trục của Trung Quốc đã chiếu tia laser vào máy bay P-8 của Mỹ hồi tháng 2/2020 khi máy bay này đang bay qua không phận quốc tế trên biển Philippines, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ và cho rằng đó là một cáo buộc vô căn cứ. Vài ngày sau đó, tờ “Thời báo Hoàn cầu” trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng tải một bài viết, trong đó các chuyên gia quân sự Trung Quốc ủng hộ việc sử dụng tia laser để xua đuổi tàu chiến Mỹ khỏi khu vực Biển Đông.

Những đặc điểm này cũng được thể hiện rõ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, cụ thể là việc cam kết ủng hộ hòa bình và công lý, lên tiếng bác bỏ các hành vi ứng xử mang tính côn đồ hay các chính sách làm tổn hại các nước khác, ủng hộ chiến thuật bầy đàn và tấn công bằng tia laser ở biển Hoa Đông, gây sức ép kinh tế và đe dọa trừng phạt các nước khác vì đã thách thức lập trường của Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đặc quyền của Trung Quốc như một nước lớn, hay bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi Mạnh Vãn Châu.

Việc thay đổi quỹ đạo trên Biển Đông đòi hỏi các nước trong khu vực sẽ phải nỗ lực hơn nữa để xác định liệu nguy cơ dài hạn của việc Trung Quốc sở hữu tuyến đường biển quan trọng này có vượt xa những rủi ro về kinh tế lẫn quân sự hay không và có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc chống lại sự xâm chiếm của Trung Quốc.

Nếu được lựa chọn, Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng mang tính xây dựng bằng cách: một là đi đầu trong việc phản đối các hành động của Trung Quốc, vốn đi ngược lại UNCLOS và phán quyết của PCA năm 2016; và hai là nỗ lực xây dựng một giải pháp toàn diện đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông mà ít nhất sẽ thách thức và cô lập Trung Quốc, thay vì cho phép nước này chiếm ưu thế bằng cách lợi dụng sự lơ đễnh của cộng đồng quốc tế. Nếu không lựa chọn Mỹ, khu vực này hẳn là đang đánh cược rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng quyền kiểm soát đối với Biển Đông để thúc đẩy các lợi ích của mình và trừng phạt các đối thủ.

Bài viết của tác giả Denny Roy, nghiên cứu viên cao cấp, giám sát viên tại Chương trình học bổng Posco, Chương trình Nghiên cứu tại Trung tâm Đông-Tây. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
0

'Tứ giác kim cương' củng cố liên thủ đối phó Trung Quốc

Việc Ấn Độ và Úc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự được xem là bước tiến mới trong sự phối hợp của tứ giác an ninh, gồm Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc, để đối phó với Trung Quốc.


Các tàu chiến Ấn Độ và Úc trong cuộc tập trận AUSINDEX năm 2019

Tuần qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Úc Scott Morrison đã có cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến. Qua đó, hai bên thông qua nhiều hiệp định quân sự quan trọng như Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA), Thỏa thuận triển khai khoa học và công nghệ quốc phòng (DST)… Cả hai đều khẳng định việc tăng cường thỏa thuận là nhằm hướng đến cùng cam kết hợp tác vì an ninh, ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Thời gian qua, các nước trong tứ giác an ninh chia sẻ chung tầm nhìn về Indo-Pacific với nội dung cốt lõi là nhằm đảm bảo an ninh chung trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động gây quan ngại trong khu vực.

Bổ sung thỏa thuận quân sự

Trả lời Thanh Niên ngày 7.6, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định: Việc Ấn Độ và Úc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến và thông qua Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần (LEMOA) có ý nghĩa quan trọng. Bởi thỏa thuận này là bằng chứng cho thấy bước tiến triển của tứ giác an ninh (hay còn gọi là “tứ giác kim cương”).

Gần đây, việc hợp tác của tứ giác an ninh được cho là tiến triển nhưng làm sao để đo lường sự tiến triển đó thì vẫn đang gây tranh cãi, nhất là khi đến giờ vẫn chưa có một thỏa thuận liên minh nào được ký kết. Mà khi không có hiệp ước liên minh nào thì làm thế nào đo lường tiến trình hợp tác?

Để đo lường tiến trình hợp tác trong trường hợp này thì có thể xét đến các thỏa thuận để tạo điều kiện sẵn sàng chiến đấu cùng nhau. Các thỏa thuận như thế hướng đến việc chia sẻ thông tin, cho phép truy cập nguồn dữ liệu của nhau, chia sẻ việc cung cấp nguồn lực.

Trong đó, để chia sẻ thông tin, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Ấn Độ, Mỹ - Úc, Nhật Bản - Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.

Để cùng chia sẻ nguồn lực hậu cần và truy cập vào cơ sở dữ liệu của nhau, Hiệp định Thu nhận và dịch vụ tương hỗ (ACSA) cũng đã có các ký kết song phương gồm: Mỹ - Nhật, Mỹ - Úc, Nhật - Úc. Về mặt lý thuyết, Mỹ và Ấn Độ chưa phải là đồng minh và hai nước cũng chưa ký kết ACSA. Ấn Độ cũng chưa ký kết ACSA với Nhật Bản. Giờ đây, Ấn Độ vừa ký kết LEMOA với Úc. Mục đích là giống nhau nên LEMOA có thể xem là một ACSA phiên bản Ấn Độ để New Delhi ký kết với các bên khác như Tokyo hay Washington.


Sơ lược về các thỏa thuận hợp tác tình báo và hậu cần của “tứ giác kim cương”

Khi đó, Mỹ - Nhật - Úc - Ấn sẽ có đủ hệ thống thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo, hậu cần như một mạng lưới đồng minh ở Indo-Pacific nhằm đối phó những mối nguy từ Trung Quốc như định hướng của “tứ giác kim cương”.

Thường xuyên tập trận chung

Thực tế thời gian qua, các nước trong “tứ giác kim cương” liên tục có những hoạt động chung ở Indo-Pacific nói chung, Biển Đông nói riêng.

Cuối tháng 5, Mỹ điều động 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer tham gia tập trận cùng 16 máy bay tiêm kích, bao gồm 2 loại F-15 và F-2 của Nhật Bản, ở khu vực vùng biển xung quanh quần đảo Okinawa. Tháng 6.2019, tàu chiến JS Izumo của Nhật Bản đã có cuộc tập trận chung với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan ở khu vực Biển Đông.

Cũng trên Biển Đông, tháng 4.2020, tàu hộ tống HMAS Parramatta thuộc Úc đã tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS America, tàu tuần dương USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Barry của Mỹ. Tháng 9.2019, tàu chiến của Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ tổ chức tập trận chung thường niên Malabar tại vùng biển ngoài khơi thành phố Sasebo (Nhật Bản).

Về tập trận song phương trong nhóm “tứ giác kim cương”, năm 2019, Úc đã điều động hạm đội tàu chiến lớn nhất nước này kể từ sau Thế chiến 2 tham gia cuộc tập trận chung với Ấn Độ mang tên AUSINDEX.

Không chỉ vậy, một số thành viên trong nhóm “tứ giác kim cương” còn cùng nhau tổ chức tập trận đa phương với các nước khác trong khu vực. Tháng 5.2019, Hạm đội 7 của Mỹ thông báo tàu chiến nước này cùng chiến hạm của Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc có cuộc tập trận chung đầu tiên ở gần đảo Guam. Cũng trong tháng 5.2019, hải quân 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines điều 6 chiến hạm tập trận chung trên Biển Đông.

Các cuộc tập trận chung có sự tham gia của các nước thuộc “bộ tứ kim cương” trên Biển Đông luôn được giới chuyên gia đánh giá như động thái thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc tại đây.

Ấn - Trung nhất trí giải quyết tranh chấp biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đang hành động nhằm giải quyết tình trạng căng thẳng và ẩu đả kéo dài cả tháng qua dọc theo đường kiểm soát thực tế (LAC), cụ thể là tại 4 điểm ở phía đông Ladakh, theo báo Hindustan Times hôm qua 7.6 dẫn nguồn thạo tin.

Trước đó, trung tướng Harinder Singh, tư lệnh quân đoàn 14 đóng tại Leh thuộc khu vực Ladakh, dẫn đầu phái đoàn Ấn Độ hội đàm với đoàn của thiếu tướng Liễu Lâm, chỉ huy quân khu Nam Tân Cương, tại Moldo-Chushul ở bên phần Trung Quốc ngày 6.6. Cuộc đối thoại kéo dài 7 giờ đánh dấu lần đầu tiên diễn ra đối thoại ở cấp tướng kể từ khi vụ chạm trán giữa binh sĩ tuần tra hai nước xảy ra gần hồ Pangong trên Himalaya ngày 5.5.

Hai bên đồng ý giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và dựa trên các thỏa thuận song phương đã ký kết, đồng thời nhất trí rằng quân đội Ấn - Trung không thể để tình hình leo thang dọc theo LAC như vừa qua. Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm qua cũng ra thông cáo với cùng nội dung.

H.G/ Báo Thanh Niên
0

Quan điểm triết học Trung Hoa cổ đại về mô hình nhà nước lý tưởng

Trong tiến trình phát triển lịch sử triết học, nhà nước là một trong những vấn đề thu hút sự nghiên cứu của nhiều trào lưu triết học, nhiều triết gia từ cổ đại đến hiện đại.


Trung Quốc là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm và rực rỡ nhất, đồng thời đây cũng là một trong 3 “cái nôi” đầu tiên xuất hiện triết học (cùng với Ấn Độ và Hy Lạp). Cho đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa thể lý giải được tại sao thời kỳ Xuân Thu- Chiến Quốc ở Trung Quốc khi công cụ bằng sắt chưa phổ biến, sản xuất chưa phát triển đã có quốc gia phong kiến và là thời kỳ “bách gia chư tử, bách gia tranh minh”( chư tử tranh minh khai học thức, bách hoa tề phóng tụ thanh phương)- thời kỳ học thuật phát triển như “nấm mọc sau cơn mưa”. Và dấu ấn rõ nhất của nền triết học Trung Quốc cổ đại để lại, còn ảnh hưởng sâu sắc đến ngày nay đó chính là quan điểm về mô hình nhà nước- quốc gia lý tưởng của một số trường phái triết học tiêu biểu: Nho gia (Khổng Tử); Đạo gia (Lão Tử); Mặc gia (Mặc Tử) và Pháp gia (Hàn Phi Tử).

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của triết học Trung Quốc cổ đại , đó là vừa thống nhất vừa đa dạng. Xuất phát từ điều kiện lịch sử xã hội đương thời: chiến tranh loạn lạc triền miên, các chư hầu đều muốn thôn tính lẫn nhau, dẫn tới sự bất ổn xã hội. Các trường phái triết học Trung Quốc thời cổ đại đều hướng đến mục đích nhằm ổn định xã hội, chấm dứt chiến tranh, kiến lập nên một chế độ ổn định lâu dài: Nho gia đưa ra đường lối chính danh, đức trị; Mặc gia với thuyết kiêm ái; Đạo gia với chủ trương vô vi; ở Pháp gia là đường lối pháp trị triệt để. Đa dạng ở chỗ mỗi trường phải trên đều có những chủ trương, đường lối của riêng mình trong việc đề ra những biện pháp cải tạo xã hội.

Thời đại Khổng Tử là thời đại “vương đạo suy vi”; “bá đạo” đang nổi lên lất át vương đạo của nhà Chu; trật tự lễ pháp cũ của nhà Chu đang bị đảo lộn, như ông than rằng “vua không phải đạo vua, tôi không phải đạo tôi; cha không phải đạo cha, con không phải đạo con”. Từ đó, ông chủ trương lặp lại pháp chế kỷ cương của nhà Chu với nội dung mới cho phù hợp . Từ đây, Khổng Tử đề ra mô hình nhà nước- quốc gia lý tưởng. Đó là xã hội phong kiến, nhà nước phong kiến theo điển chế của nhà Chu rất có trật tự tôn ti; từ thiên tử tới các chư hầu lớn nhỏ, quí tộc, bình dân ai có phận nấy, có quyền lợi và nhiệm vụ sống hòa hảo với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, giữ chữ tín với nhau, không xâm phạm nhau, ai cũng phải tu thân nhất là hạng vua chúa vì ngoài bổn phận dưỡng dân- lo cho dân đủ ăn đủ mặc thì còn có bổn phận giáo dân bằng cách làm gương cho họ và bằng lễ, nhạc, văn, đức. Bất đắc dĩ mới dùng tới hình pháp. Xã hội đó lấy gia đình làm cơ sở, trọng hiếu đễ, yêu trẻ, kính già để các giai cấp hòa hợp nhau, trên không hiếu dưới, dưới không oán trên. Đó là xã hội “tiểu khang” ( Thuật ngữ “tiểu khang” hiện nay đã được đưa vào trong nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 với mục tiêu xây dựng xã hội Trung Quốc “tiểu khang”- xã hội khá giả toàn diện trên cơ sở mối quan hệ tông tộc- gia đình, dòng họ).

Mặc gia với đại diện tiêu biểu là Mặc Tử chủ trương “kiêm ái”, muốn mọi người cùng thương yêu nhau và làm lợi cho nhau; mơ ước xây dựng một xã hội trong đó mọi người không có sự phân biệt sang- hèn, trên- dưới. Ông chủ trương nhà nước phải dùng người có tài, muốn xây dựng một quốc gia thống nhất, quyền hành tập trung vào một người tài đức do dân cử lên, không có đảng phái, tư tưởng từ trên xuống dưới nhất loạt như nhau, ai cũng lo lợi chung của đồng bảo, xã hội; dân đông đúc mà đủ ăn đủ mặc, cần và kiệm, không có sự xa hoa, muốn được “chính bình dân an”- thế giới đại đồng. Tư tưởng trên có điểm tương đồng với học thuyết xây dựng chủ nghĩa cộng sản của Mác-Ăngghen-Lênin với tư tưởng “của cải chung, mọi người sống bình đẳng, bác ái”.

Ngược lại với học thuyết xây dựng mô hình nhà nước-quốc gia lý tưởng của Nho gia (Khổng Tử) và Mặc gia( Mặc Tử), Đạo gia với đại diện tiêu biểu nhất là Lão Tử lại chủ trương “vô vi”. Trong Đạo đức kinh, chương thứ 80, Lão Tử đã phác họa ra mô hình quốc gia lý tưởng với những đặc điểm: Nước nhỏ, dân ít. Dù có khí cụ gấp trăm sức người cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có thuyền xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. Bỏ hết văn tự, bắt dân dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác mà lấy làm vui (nghĩa là chỉ lo ăn no mặc ấm, ở yên, sống vui, ghét xa xỉ). Các nước gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà, tiếng chó của nước kia mà nhân dân các nước ấy đều già chết cũng không qua lại với nhau.

Còn phái Pháp gia (Hàn Phi Tử) lại muốn có một quốc gia thống nhất như Mặc Tử, quyền hành tập trung vào một người là vua (không do dân cử mà cũng chẳng cần có đức chỉ cần biết thuật trị người); kinh tế phải khuếch trương (phát triển) để cho nước mạnh mà chiến thắng được những nước khác, không cần văn hóa cho cao, chỉ cần nông phẩm và binh khí cho nhiều; vua chẳng cần thi ân huệ, dạy dân, cứ ngất ngưởng ngồi trên mà điều khiển guồng máy bằng cách áp dụng pháp luật một cách nghiêm khắc và công bằng, không chút tư vị (dù là với người thân, vì vua không thân với ai hết; kể cả cha mẹ, vợ con). Đây chính là lý tưởng “quốc cường quân tôn”. Hàn Phi Tử chỉ rõ: cái thiết yếu của pháp luật là ở chỗ phải trình bày rõ ràng, trình bày công khai ra chỗ trăm họ; ai giữ pháp luật cẩn thận thì thưởng, ai trái pháp lệnh thì phạt công minh. Ông nêu yêu cầu các nước cần kiên trì, kiên quyết đổi mới chế độ chính trị theo con đường pháp trị để quốc gia đất nước được cường thịnh (tư tưởng trên đã được nước Tần cuối thời Chiến Quốc thực thi triệt để đường lối pháp trị của Hàn Phi Tử đã trở thành nước hùng mạnh, thôn tính sáu nước lớn còn lại, lần đầu tiên thống nhất Trung Quốc trong lịch sử).

So sánh học thuyết về nhà nước- quốc gia lý tưởng của bốn trường phái triết học trên chúng ta thấy rõ: chủ trương của Nho gia (Khổng Tử) thực tế hơn Mặc gia(Mặc Tử); Đạo gia(Lão Tử); nhân bản hơn học thuyết của Pháp gia(hàn Phi Tử) và ảnh hưởng trong văn hóa Trung Quốc và văn hóa của chế độ phong kiến phương Đông hơn hai ngàn năm qua thì Nho gia có ảnh hưởng rõ nhất, sâu sắc nhất. Hạn chế chung cơ bản của bốn trường phái trên trong quan điểm về mô hình nhà nước-quốc gia lý tưởng ở chỗ: chỉ xuất phát từ lập trường giai cấp đề ra những chủ trương phiến diện, thậm chí là cực đoan- phi thực tế, ảo tưởng như tư tưởng của Lão Tử, Mặc Tử.

Tuy nhiên, từ quan điểm về mô hình nhà nước- quốc gia lý tưởng nêu trên của bốn trường phái, chúng ta có thể thấy rõ những điểm tiến bộ ưu việt: Ở Nho gia là tư tưởng ai ở địa vị nào thì làm tốt cương vị đó, coi trọng gia đình là nền tảng, danh phải chính ngôn mới thuận; thượng bất chính, hạ tắc loạn; mọi người cư xử với nhau bằng nhân, nghĩa, lễ..Ở Mặc gia là tư tưởng mọi người thương yêu nhau, cần cất nhắc và sử dụng người có thực tài trong sử dụng, bổ nhiệm, không phân chia bè cánh-đảng phải. Ở Đạo gia là tư tưởng coi trọng thiên nhiên, sống hòa mình, gần gũi với thiên nhên, theo qui luật của tự nhiên. Ở Pháp gia đó là tư tưởng đề cao tinh thần thượng tôn của pháp luật phải được thực thi trong mọi mặt của đời sống xã hội, là tinh thần độc lập tự cường quốc gia, dân tộc. Đó là những “hạt nhân hợp lý” trong học thuyết xây dựng nhà nước- quốc gia lý tưởng và có giá trị sâu sắc trong điều kiện hiện nay. Và suy cho cùng, muốn đánh giá một học thuyết, hay quan điểm triết học là tiến bộ hay không thì trước tiên phải đặt nó trong bối cảnh đương thời, thấy được nó là tiến bộ so với các triết thuyết khác, và sau một khoảng thời gian vẫn thấy nó còn hợp lý thì có thể coi triết thuyết ấy là vĩ đại, vượt tầm thời đại.

Theo LÊ CAO ĐỘ / TRUONGCHINHTRINGUYENVANLINHHY.ORG.VN
0

Mùa hoa ô môi hồng rực rỡ ở miền Tây

Đầu tháng 4, hoa ô môi gắn liền với bao thế hệ người dân An Giang, Đồng Tháp... bung nở trên các nẻo đường quê.

Hoa ô môi còn được biết đến với cái tên “hoa anh đào miền Tây” có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cây ô môi có thân gỗ cao 10 - 20 m, thích hợp với thổ nhưỡng miền Tây Nam Bộ nên được trồng làm cảnh và lấy bóng mát. Ảnh chụp cánh đồng quê được tô điểm sắc hồng hoa ô môi tại Tân Châu, An Giang. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu.

Trong nắng hạ đầu tháng 4, khi những cơn mưa trái mùa xuất hiện cũng là lúc cây ô môi trút lá và xuất hiện chùm hoa. Trong ảnh là vùng quê Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu.

Những người phụ nữ trong tà áo dài tạo dáng dưới hàng cây ô môi nổi tiếng tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Sở dĩ người miền Tây đặt cho cây cái tên ô môi là khi ăn trái này, môi sẽ chuyển từ màu đỏ sang đen thẫm ("ô" có nghĩa là "đen"). Có người lại cho rằng do bên trong trái chứa nhiều ô mà mỗi ô là một phần thịt của trái, nên gọi là ô môi. Ảnh: Ming Huỳnh.

Lang thang khắp nẻo đường phương Nam như An Giang, Đồng Tháp, du khách có thể bắt gặp những cây ô môi trồng bên đường quê, bờ ruộng, bến sông hay mái nhà đơn sơ. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu.

Hoa tàn hình thành trái ô môi hình trụ dẹt dài 40-60 cm, hơi cong, đường kính 3-4 cm. Ảnh: Văn Thái.

Trong nắng trưa hè, những vạt hoa màu hồng phất phơ trong gió trở thành một nét đẹp dân dã khó quên với du khách. Ảnh: Văn Thái.

Nẻo đường quê tại Khánh Hòa, Châu Phú, An Giang. Ảnh: Văn Thái.

Thiếu nữ tại vườn hoa ở Phú Bình, Phú Tân, An Giang. Ảnh: Ngọc Thanh Hồng.

Chiếc cầu quê hương Phú Long, Phú Tân, An Giang thêm sắc hồng vào mùa hoa ô môi. Ảnh: Ngọc Thanh Hồng.

Cây ô môi đang nở hoa rực rỡ bên bờ mương ở Phú Bình, Phú Tân, An Giang. Ảnh: Ngọc Thanh Hồng.

Huỳnh Phương/ VnExpress
0