ViệnVn - Blog lưu trữ tổng hợp

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Hạm đội tàu ngầm Việt Nam


Trên trang mạng của Viện Hải quân Hoa Kỳ, Giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc châu, vừa có bài nói về hạm đội tàu ngầm của Việt Nam. BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.

Hôm 15/8, Báo Thanh Niên đưa tin rằng đến cuối năm nay Việt Nam sẽ nhận chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên của mình. Ngoài ra, còn 5 chiếc khác cũng đã được đặt hàng, và mỗi năm Việt Nam sẽ nhận một chiếc.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, trong 5 năm tới Việt Nam sẽ có một hạm đội tàu ngầm hiện đại của mình.

Trong những năm cuối thập niên 1980, Việt Nam đã định mua chiếc tàu ngầm đầu tiên từ Liên Xô. Thủy thủ đoàn đã được lựa chọn và huấn luyện trên một chiếc tàu ngầm diesel lớp Project 641 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Chương trình này sau bị ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên xô lúc bấy giờ là Mikhail Gorbachev đình chỉ vì quan ngại làm mếch lòng Trung Quốc.

Kế hoạch mua tàu ngầm của Việt Nam cũng tan vỡ cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết sau đó.
Năm 1997, theo hợp đồng đổi gạo lấy vũ khí, Việt Nam đã nhận về hai chiếc tàu ngầm mini hạng Yugo của Bắc Triều Tiên. Hai tàu này đậu tại Vịnh Cam Ranh, nơi chúng được bảo trì và sửa chữa. Hiện không ai chắc về tình trạng hoạt động của hai tàu ngầm mini này.

Tháng 1/2010, báo Tuổi Trẻ bất ngờ đăng bài về sự tồn tại của M96, đơn vị tàu ngầm bí mật của Việt Nam, cùng với bức hình chiếc tàu ngầm Yugo và thủy thủ đoàn.

Hai chiếc Yugo dường như chỉ được sử dụng trong các hoạt động lặn và để hiểu thêm về cơ chế hoạt động cũng như bảo trì tàu ngầm.

Tàu ngầm lớp Kilo

Năm 1997 khi một chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 636 của Nga tới thăm cảng Cam Ranh, Việt Nam lại càng nôn nóng muốn mua tàu ngầm hiện đại.

Năm 2000 tin chưa kiểm chứng cho hay Việt Nam và Nga đã đạt được bản ghi nhớ về việc mua bán tàu ngầm. Cùng năm đó, Việt Nam và Ấn Độ ký thỏa thuận quốc phòng, trong có điều khoản Ấn Độ giúp huấn luyện thủy thủ Việt Nam, kể cả thủy thủ tàu ngầm.

Tháng 10/2002 Việt Nam đã nhờ Ấn Độ huấn luyện tàu ngầm, nhưng phải mất bốn năm Ấn Độ mới thông báo việc bắt đầu huấn luyện thủy thủ và sỹ quan cho Việt Nam, Hiện Ấn Độ đang huấn luyện quy trình thoát hiểm tàu ngầm cho hải quân Việt Nam.

2008 là năm bản lề, khi Việt Nam không thành công trong việc mua tàu ngầm loại thông thường từ Serbia. Hà Nội quay sang Moscow và đạt thỏa thuận mua sáu chiếc Project 636M. Trong năm đó, cả bộ trưởng quốc phòng và chủ tịch nước Việt Nam khi thăm Nga đều bàn thảo việc này.

Năm 2009 các nguồn tin từ Nga đưa thông tin này ra ngoài. Ngày 24/4/2009, ông Vladimir Aleksandrov, tổng giám đốc nhà máy đóng tàu Admiralteiskie Verfi ở St. Petersburg, thông báo rằng công ty của ông đã được chọn để thực hiện hợp đồng sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo Project 636 có cải biên. Trị giá các tàu ngầm bày được cho vào khoảng 300-350 triệu đôla/chiếc, cả sáu chiếc là 1,8-2,1 tỷ đôla.

Hợp đồng chính thức về việc mua sáu tàu ngầm được ký kết tại Moscow giữa nhà xuất khẩu vũ khí của Nga Rosoboronexport và Bộ Quốc phòng Việt Nam nhân chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Nhà máy Admiralteiskie Verfi bắt đầu sản xuất chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Việt Nam vào tháng 8/2010. Chiếc này đã được hạ thủy và nay đang thử nghiệm trước khi giao hàng.

Tháng 3/2010, Việt Nam chính thức đê ̀nghị Nga giúp xây dựng căn cứ tàu ngầm ở cảng Cam Ranh.

Vào tháng 6/2010, có tin tổng trị giá hợp đồng tàu ngầm của Việt Nam đã tăng từ con số 1,8-2,1 tỷ đôla lúc đầu lên 3,2 tỷ. Trong đó có chi phí lắp đặt vũ khí và một số trang thiết bị khác.

Các tàu ngầm Kilo của Việt Nam sẽ được trang bị thủy lôi 53-56 hoặc TEST 76; có hỏa tiễn chống hạm 3M-54E hoặc 3M-54E1. Tháng 7/2011, đại diện của Rosoboronexport còn cho hay Việt Nam sẽ mua các hệ thống hỏa tiễn chống hạm Novator Club-S (SS-N-27) với tầm che phủ 300km.

Mua nhiều vũ khí của Nga

Trong một diễn biến có liên quan, một phúc trình mới đây cho hay Việt Nam trong những năm tới sẽ lọt vào nhóm ba nhà nhập khẩu hàng đầu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga.

Giám đốc Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới Igor Korotchenko được hãng RIA Novosti dẫn lời nói theo các báo cáo chính thức về chương trình cung cấp vũ khí của Nga cho Việt Nam, "tới đây Việt Nam sẽ lọt vào top ba nhà nhập khẩu lớn nhất vũ khí của Nga".

Trong giai đoạn 2008-2011, ước tính xuất khẩu vũ khí của Nga cho Việt Nam vào khoảng 1,88 tỷ đôla, tương đương 6,3% tổng lượng xuất khẩu của Nga.

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước mua vũ khí của Nga. Trong bốn năm tới (2012-2015), Việt Nam nhích lên vị trí thứ tư với tổng trị giá các hợp đồng là 2,43 tỷ đôla, chiếm 7,6% tổng xuất khẩu vũ khí của Nga.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/08/120825_viet_submarines.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét