ViệnVn - Blog lưu trữ tổng hợp

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

Nhật cởi mọi ràng buộc quân đội: Được can thiệp Biển Đông

Nhật Bản khẳng định Mỹ-Nhật cần tập trung lực lượng nhiều hơn vào Biển Đông, nơi Trung Quốc đang bành trướng tranh chấp chủ quyền


Hải quân Nhật Bản được quyền tham chiến ở Biển Đông

Đa Chiều ngày 21/3 đưa tin, đảng Dân chủ Tư do Nhật Bản cầm quyền hôm 20/3 đã cùng với đảng Komei triệu tập hội nghị hiệp thương chính đảng bàn bạc về phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đối với quyền tự vệ tập thể.

Trong đó Nhật Bản sẽ cho phép quân đội tham gia giúp Mỹ và các đồng minh đối tác khác.

Hai đảng đã đạt được thống nhất, mặc dù chưa nói rõ là sẽ phái quân khi được Quốc hội phê chuẩn, nhưng chính phủ Nhật Bản đã chính thức xây dựng hàng rào pháp lý liên quan đển việc sửa đổi phương châm hợp tác quốc phòng Mỹ - Nhật.

Hãng thông tấn Kyodo News ngày 21/3 cho biết, trong hội nghị hôm 20/3 nội dung về Biển Đông trở thành trọng điểm.

Hội nghị xác nhận rằng, đồng minh Mỹ - Nhật nên tập trung lực lượng nhiều hơn nữa vào Biển Đông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á.

Hội nghị cũng thống nhất "Phương châm hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ" sẽ được sửa đổi vào cuối tháng 4 và nội dung này sẽ được đưa vào. Đảng cầm quyền Nhật Bản muốn mở rộng phạm vi hợp tác quốc phòng Nhật - Mỹ ra toàn cầu.

Theo tờ The Mainichi của Nhật Bản, mục đích các hoạt động sửa đổi luật pháp lần này là nhằm xác quyết điều kiện đảm bảo an ninh Nhật - Mỹ được vận dụng một cách hiệu quả.

Theo các quy định luật pháp về đảm bảo an ninh hiện hành, phạm vi áp dụng điều ước đảm bảo an ninh Nhật Bản là Viễn Đông. Tokyo nhận định rằng khu vực từ Philippines trở lên phía Bắc cũng nằm trong phạm vi áp dụng điều ước đảm bảo an ninh Nhật - Mỹ.

Do đó trước đây giới hạn địa lý này đã hạn chế khả năng can thiệp của quân đội Nhật Bản vào Biển Đông và bây giờ nó đã được bãi bỏ.

Điều này có nghĩa là Nhật Bản có thể trực tiếp can thiệp vào Biển Đông để chi viện cho Mỹ. The Mainichi cũng lưu ý, hoạt động tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc với hầu như toàn bộ Biển Đông và xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa đã khiến Philippines và Việt Nam đặc biệt quan ngại.

Cũng theo báo Nhật, quan hệ Trung Quốc - Philippines, Trung - Việt hiện nay đang rơi vào tình trạng khó khăn chưa từng có. Mỹ nhận định rằng nguy cơ nổ ra xung đột lãnh thổ trong khu vực này rất cao. Để chia sẻ áp lực, Washington đã yêu cầu Tokyo cho quân đội can thiệp trực tiếp vào sự vụ Biển Đông.

Trong khi đó vùng biển này cũng là tuyến hàng hải huyết mạch của nền kinh tế Nhật Bản, quá nửa lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nhật đi qua vùng biển này.

Để tránh kích thích Trung Quốc, trước đây Nhật Bản đã tránh đề cập đến Biển Đông trong phương châm hợp tác quốc phòng an ninh Nhật - Mỹ. Nhưng chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định thay đổi điều này và nó sẽ được thể hiện rõ trong đợt sửa đổi phương châm hợp tác Nhật - Mỹ sắp tới.

Động thái nói trên của Nhật Bản dường như đã là hành động cuối cùng để quốc gia này tháo bỏ mọi rào cản giới hạn cho quân đội. Trước đó, hồi giữa năm 2014, Nhật Bản thông qua việc cung cấp quy chế phòng vệ tập thể cho lực lượng phòng vệ của mình.

Hồi tháng 4/2014, Tokyo thông qua việc Nhật Bản được quyền viện trợ vũ khí sát thương và xuất khẩu vũ khí. Ngay sau đó, Nhật đã có một số hợp tác về xuất khẩu công nghệ vũ khí phi sát thương và cả sát thương cho Đông Nam Á.

Tiếp đến, tháng 7/2014, Nhật Bản thông qua việc lực lượng phòng vệ có quyền được tham gia vào các cuộc chiến để hỗ trợ đồng minh nếu như cuộc chiến đó ảnh hưởng đến an ninh của nước Nhật.

Tháng 2/2015, Nhật Bản tiến thêm một bước dài khi cho phép nâng cấp quyền phòng vệ tập thể.

Theo đó, Nhật được quyền tham gia vào các cuộc chiến giữa đồng minh và kẻ thù, cho dù không liên quan đến an ninh Nhật Bản. Đồng thời quốc gia này cũng tuyên bố sẽ ủng hộ các hoạt động quân sự của NATO.

Nhật Bản cũng thành lập lực lượng tình báo tương tự như của Anh, Mỹ để chủ động nguồn tin của mình. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản đã giải tán lực lượng tình báo của mình và phải dựa vào những thông tin từ phía Mỹ cung cấp.

Và cuối cùng, Nhật Bản nói thẳng sẽ can dự nhiều hơn vào Biển Đông bằng các hoạt động quân sự để đảm bảo cho quyền lợi của mình ở khu vực này.

Có thể thấy rằng, Nhật đang tiến sát đến việc tham gia vào các sứ mệnh quốc tế, các sự vụ mang tính toàn cầu và không còn rào cản nào đối với quân đội của Nhật Bản.

Báo Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét