ViệnVn - Blog lưu trữ tổng hợp

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Quân đội Việt Nam chế tạo thành công radar "bắt" máy bay tàng hình


Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi chế tạo được radar thụ động phát hiện máy bay tàng hình - Xem video về tính năng, hoạt động của radar thụ động RTh do Viện radar - Viện Khoa học công nghệ Quân sự Quân đội Việt Nam chế tạo.

Việc chế tạo thành công radar định vị mục tiêu thụ động RTh là một thành tựu lớn của nền công nghiệp quốc phòng trong nước.

Trong tác chiến hiện đại, mạng lưới radar đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc phát hiện sớm, cảnh báo và cung cấp chính xác tọa độ mục tiêu cho các đơn vị hỏa lực phòng tránh, đánh trả có hiệu quả những cuộc tiến công của kẻ địch.

Hiện nay ngân sách mua sắm vũ khí trang bị thế hệ mới từ nước ngoài là có hạn và hơn nữa nếu phải nhập khẩu thì việc đảm bảo an ninh, an toàn sẽ rất khó có thể thực hiện tốt.

Trước bối cảnh trên, Viện radar, Viện KH&CN Quân sự - Bộ Quốc phòng đã chủ động đề xuất và được giao chủ trì Dự án: “Nghiên cứu thiết kế, chế thử mẫu trạm radar thụ động định vị mục tiêu theo phương pháp TDOA (Time difference of Arrival)”.

Dự án do TS. Trần Văn Hùng làm chủ nhiệm.

Cùng tham gia dự án còn có sự góp sức của một số đơn vị thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ.

Qua gần 4 năm triển khai, trung tuần tháng 11/2014, tổ hợp radar thụ động đầu tiên ký hiệu RTh chế tạo trong nước đã chính thức được nghiệm thu.

Kết quả này mở ra một trang mới đầy triển vọng trong việc tự chủ trang bị khí tài mới, hiện đại cho quân đội, đồng thời giữ được bí mật quân sự.

Với radar chủ động, chúng phải phát sóng để sục sạo và thu về các tín hiệu phản xạ để tính toán, xác định tọa độ mục tiêu.

Điều đó đồng nghĩa với việc chính đài radar có thể bị phát hiện và chế áp bởi tên lửa chống bức xạ diệt radar từ máy bay đối phương, hoặc nếu mục tiêu là máy bay tàng hình thì sóng sẽ bị hấp thụ khiến radar chủ động gần như bị mù, không thể phát hiện được.

Trong khi đó, RTh "Made in Vietnam" là radar định vị mục tiêu thụ động dựa trên phương pháp TDOA (Time difference of Arrival) xác định mục tiêu bằng cách đo đạc chênh lệch thời gian lan truyền của sóng điện từ từ nguồn bức xạ đến các đài thu.

Cấu hình của RTh gồm 4 trạm định vị với 3 trạm kế bên và 1 đài thu kiêm trung tâm xử lý tín hiệu.

Máy bay tàng hình dù hiện đại đến đâu nhưng trong quá trình hoạt động nó vẫn phải sử dụng radar, khí tài gây nhiễu, thiết bị nhận dạng địch - ta, hệ thống liên kết dữ liệu, các thiết bị trinh sát, dẫn đường, định vị và liên lạc...

Các đài thu của radar thụ động như RTh sẽ bắt được những tín hiệu này, qua đó xác định được tọa độ mục tiêu. Radar thụ động có khả năng sống sót cao gấp nhiều lần so với radar chủ động và gần như không thể bị gây nhiễu.


Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng trong tương lai không xa, các sản phẩm radar thụ động chế tạo trong nước sẽ được sản xuất hàng loạt, trang bị rộng rãi cho các đơn vị, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Quan trọng hơn, như Bộ Trưởng Bộ Khoa học & Công Nghệ Nguyễn Quân đã nói:
"Những trang thiết bị vũ khí lớn và hiện đại chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Nhưng song song đó, nhờ áp dụng thành tựu nghiên cứu sáng tạo của người Việt Nam, chúng ta đã có thể hoàn toàn yên tâm với việc bảo vệ vùng trời Tổ quốc".

Nguồn:

1. soha news: soha.vn/...
2. YouTube: YouTube.com/...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét