ViệnVn - Blog lưu trữ tổng hợp

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Càng sùng bái tượng Phật, con người càng xa rời Phật tính


Người Phật tử nước ta nhiều khi kính lạy tượng Phật, cho đấy là Phật mà quên không thấy được vị Phật trong tâm mình, tức Phật tính.

Xin bắt đầu ngay nơi tự thân của chúng ta, một bộ máy được cấu tạo vô cùng tuyệt vời. Tuy rằng Đức Phật chỉ dạy chúng ta quán chiếu để thấy rằng thân thể chúng ta chỉ là một cái túi da trong đó có chứa máu mủ, xương tủy, đờm dãi…Đó là một sự thực…

Khi đạo Phật truyền sang nước ta qua ngả Trung Hoa, thì đồng thời cũng mang theo của họ những nghi thức kính lễ với nhiều tranh, nhiều tượng. Người Phật tử nước ta vì vậy, nhiều khi kính lạy tượng Phật, cho đấy là Phật mà quên không thấy được vị Phật trong tâm mình, tức Phật tính.

Chư Tổ, vì thương cho chúng sinh mê mờ nên trong kinh sách, trong pháp giảng vẫn thường dùng hình tượng cụ thể mà nhắc nhở một cách mạnh mẽ rằng lạy Phật như vậy chỉ là lạy ông Phật bằng đồng, bằng gỗ… chứ chưa phải là vị Phật thật sự. Nhưng cũng chính vì lòng từ mẫn này mà đã gây hại cho bao Phật tử chúng ta, vì do lòng tôn kính đấng Đức Phật nên cho rằng chỉ có một đấng tôn quý là Ngài mà không chịu chấp nhận có vị Phật trong tâm mình, quên rằng Đức Phật vẫn chỉ dạy rằng trong tất cả mỗi chúng sinh đều có Phật tính.

Vì vậy, để tri ân bậc thầy của nhân thiên, xin chia sẻ đến chư vị Phật tử đôi điều cảm nhận và mong hãy cùng nhau lắng lòng thanh tịnh để thấy được Phật tính tự nơi tâm mình.

Tự thân huyền diệu

Xin bắt đầu ngay nơi tự thân của chúng ta, một bộ máy được cấu tạo vô cùng tuyệt vời. Tuy rằng Đức Phật chỉ dạy chúng ta quán chiếu để thấy rằng thân thể chúng ta chỉ là một cái túi da trong đó có chứa máu mủ, xương tủy, đờm dãi…Đó là một sự thực. Nhưng một sự thực nữa là trong cái “túi da” đó, các cơ quan nội tạng đã phối hợp hoạt động nhịp nhàng để chúng ta được sống, được thấy Phật pháp, được tu tập, được thương yêu giúp đỡ nhau…

Như trái tim, một cái “máy bơm” vận hành không ngừng nghỉ để bơm máu đến khắp nơi nuôi cơ thể, khi đưa máu đi, nó tự động đóng các van lại nhằm tạo áp lực đẩy máu vào động mạch. Như hai lá phổi với vô vàn phế nang có công năng đưa oxy vào lọc máu đã qua sử dụng để tạo thành máu sạch mới cung cấp cho tim có “nguyên liệu” để tiếp tục “vận hành”. Nói theo mong ước của các nhà kinh doanh thời nay là có “đầu vào” và “đầu ra” bảo đảm, còn nói theo mong ước của các nhà công nghệ là đạt được “một quy trình công nghệ khép kín”!

Trên đây là nói về các cơ phận bên trong, còn các cơ phận bên ngoài cũng tuyệt vời không kém. Như đôi mắt, tức nhãn căn, một hệ thống thấu kính với vi mạch và màn ảnh vô cùng tinh vi, muốn nhìn xa thì lập tức nhìn xa, muốn nhìn gần thì lập tức nhìn gần, không cần phải tốn thì giờ và công đoạn điều chỉnh tiêu cự như máy ảnh. Một hạt bụi thoáng bay ngang, mi mắt có hàng lông mi làm nhiệm vụ rèm che, lập tức khép lại. Còn bộ máy nào tuyệt vời hơn thế?

Hay như tay của chúng ta, nếu vô tình sắp chạm phải vật nhọn hoặc sức nóng, cảm ứng thần kinh nơi da lập tức truyền tín hiệu báo động về não, sau khi phân tích thấy có thể là nguy hiểm, cũng qua giây thần kinh, não liền truyền ngược lại tín hiệu cho tay co lên để tránh. Hoặc nếu da chúng ta có bị vết thương, sau đó chúng cũng sẽ tự hàn gắn lại. Có bộ máy nào tuyệt vời hơn?

Chỉ xin nêu sơ như vậy để thấy tính huyền diệu của sự sống. Và đừng quên, bên cạnh chúng ta, muôn loài động vật khác trên trái đất này cũng đều có sự sống diệu huyền như vậy.

Trái đất nhiệm mầu

Xin nói tiếp theo về sự nhiệm mầu của trái đất, cái nôi gắn liền với sự sống của muôn loài, kể cả các loài thực vật, khoáng vật…

Chư Phật tử có bao giờ để tâm ngắm nhìn một cây đu đủ ra hoa và kết trái chưa? Xin kể hầu chư vị một trải nghiệm thú vị để chúng ta có thể cùng nhau quán chiếu. Hồi đó, người viết bài này có trồng được một cây đu đủ trong chút đất vườn nhà. Khỏi phải nói, hằng ngày ngắm cây lớn mạnh là cả một niềm vui, nhất là khi cây kết được trái đầu tiên. Một ngày, thấy cọng lá nằm dưới trái héo rũ không đẹp, liền ngắt bỏ. Nhưng qua hôm sau, trái đu đủ đang tươi nguyên mơn mởn chợt rụng. Chao ôi, xuýt xoa mà tiếc vô cùng. Thế rồi sau đó, chợt hiểu ra rằng cọng lá, ngoài việc quang hợp nuôi cây, còn có nhiệm vụ nâng đỡ cho trái bám được vào thân. Khi cuống trái vững chắc thêm một chút thì lá cũng héo đi một chút, cho đến khi trái đủ sức tự mình bám vững vào cây thì lá héo rũ hoàn toàn và tự mình lìa cành. Nhưng cũng chưa hết, khi ra hoa, bao giờ hoa cũng mọc ngay chỗ cuống lá tiếp giáp với thân cây và luôn gồm có một chùm vài ba hoa, mục đích là để bảo đảm chắc chắn cho sự thụ phấn. Bà mẹ trái đất quả đã tính toán chi li toàn vẹn cho từng đứa con của mình!

Thế trái đất có còn điều gì nhiệm mầu nữa không? Thưa, còn rất nhiều, hay có thể nói toàn thể trái đất là cả một sự nhiệm mầu. Muôn loài trên trái đất nương nhờ nơi tứ đại mà sinh sôi nẩy nở nhưng vẫn theo một trật tự tự nhiên để bảo đảm cân bằng sinh thái: Cá nhỏ ăn rong rêu, vi sinh, cá lớn ăn cá nhỏ; có chuột thì có rắn; có sâu bọ thì có chim chóc; có thân xác động vật chết thì có quạ, kên kên, và vi khuẩn staphylococcus phân hủy. Thử hỏi, có một tổ chức nào sắp xếp cặn kẽ được như vậy không?

Đi tìm Phật tính

Những điều nêu trên đã cho chúng ta thấy được tất cả sự sống cùng với bản thân trái đất đầy nhiệm mầu này. Tiến thêm bước nữa trên con đường đi tìm Phật tính, chúng ta thấy rằng trái đất cùng tám hành tinh khác quay quanh mặt trời, tạo thành Thái dương hệ, tức Hệ Mặt trời (Solar System). Rất nhiều hệ như vậy lại cùng nhau quay quanh một tâm, tạo thành thiên hà (galaxy). Và có rất nhiều thiên hà như vậy trong vũ trụ vô cùng này. Nhưng điều đáng kinh ngạc là tuy lơ lửng trong không gian, chẳng bám víu vào đâu, tất cả chúng đều vận hành theo một trật tự nào đó mà không hề xảy ra sự va chạm nào. Còn có tính từ nào khác nữa không để mô tả cho cái đặc tính này nếu không phải là chữ nhiệm mầu?

Giờ đây, nếu truy tìm cái uyên nguyên của trái đất cùng với sự sống nhiệm mầu của nó, chẳng phải tất cả đều khởi thủy từ cái vũ trụ bao la vô cùng vô tận này hay sao? Hoặc có thể nói cách khác, chính từ vũ trụ mà phát sinh ra vô lượng sao và hành tinh, trái đất cùng cuộc sống muôn loài trên đó, toàn thể được vận hành một cách tinh tế, khách quan và công bằng, nhân quả, có cái này có cái kia, có vay có trả.

Chính đấng Đức Phật, qua 49 ngày đêm miên mật trong đại định, đã giác ngộ được cấu trúc và sự vận hành diệu huyền này của vũ trụ, trong đó có cả kiếp nhân sinh cùng với vòng luân hồi sinh tử, nghiệp báo. Vì đây là cái thấy của Phật, nên chư tôn đức đã gọi tên là Phật tính, một cách định danh nhằm tri ân bậc thầy đã tìm ra được cái đặc tính này của vũ trụ. Chẳng khác gì ngành khoa học đã tri ân và vinh danh những người ơn của nhân loại bằng cách lấy tên đặt cho công trình mà họ khám phá ra, như vi trùng phong Hansen, vi trùng lao Koch, động từ Pasteurize… Và do vậy, phải chăng nay chúng ta có thể hiểu và gọi tên một cách chính danh là vũ trụ tính, một cái tên vừa diễn đạt được tính khách quan, vừa thích hợp và dễ hiểu với chúng sinh đương thời?

Và mọi loài chúng sinh, do được khởi phát từ vũ trụ, nên đương nhiên đều có mang tính chất của vũ trụ trong mình, chẳng khác gì tuy chỉ là một giọt nước biển nhưng đều mang tính chất của cả đại dương. Nghĩa là trong mỗi chúng sinh đều có vũ trụ tính mà xưa nay vẫn quen gọi là Phật tính. Chính vì vậy mà Đức Phật vẫn chỉ dạy là tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Chư Tổ, từ ngàn xưa do lòng từ bi mà đã dùng rất nhiều tên gọi nhằm diễn đạt cái vũ trụ tính này để giúp chúng sinh thức tỉnh: Từ tâm đến chân tâm diệu hữu, bản lai diện mục… Như trong câu kệ của tổ Thần Tú: Tâm như minh kính đài (Tâm như đài gương sáng). Đài gương sáng là gì nếu không phải là muốn nói lên cái tính trạm nhiên của vũ trụ? Nhưng tiếc thay, chính những cái tên gọi này lại đã làm cho chúng sinh thêm rối rắm, càng không thấy (và càng không dám tin) là mình cũng có Phật tính tức vũ trụ tính. Và cũng chính vì vậy mà nghi tình “Con chó có Phật tính không?” Đã mặc nhiên trở thành một công án để rồi tiếp tục lưu truyền cho đến nay. Cũng xin nhắc thêm một điều là phần lớn chúng ta hiện nay vẫn thường hay nhắc đến cái Tâm, cho dù chưa nắm bắt được “bản lai diện mục” của cái Tâm là gì!

Thì ra, đâu phải ngẫu nhiên mà cụ Tiên Điền Nguyễn Du, nhà đại thi hào của dân tộc, đã mượn hình ảnh trăng sao trong vũ trụ mà ẩn dụ chữ Tâm: Nửa vành trăng khuyết, ba sao giữa trời…

Theo BÙI KIM SƠN / ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét