ViệnVn - Blog lưu trữ tổng hợp

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

Ba việc “rất quan trọng” Việt Nam phải làm để đấu tranh với Trung Quốc

Đại sứ Phạm Quang Vinh - nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam - đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với PV Dân trí về việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển phía nam của Việt Nam (bãi Tư Chính) và bối cảnh Bắc Kinh “phớt lờ” yêu cầu của chúng ta về chấm dứt các hành vi vi phạm.


Nghe:


- Phóng viên: Thưa Đại sứ, những ngày qua Trung Quốc gia tăng hoạt động phi pháp, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đặc biệt tại bãi Tư Chính. Xin Đại sứ cho biết những ảnh hưởng của tình hình này tới cục diện Biển Đông và quan hệ hai nước?

- Đại sứ Phạm Quang Vinh: Chúng ta phải khẳng định rất rõ ràng rằng, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982. Các tàu của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng biển hợp pháp của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, và là điều không thể chấp nhận được.

Việt Nam chủ trương hòa bình, hòa hiếu, mong muốn vun đắp quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Do đó, chúng ta cần phải nói rõ với Trung Quốc về những vi phạm đó, Việt Nam không thể chấp nhận và vận động để công luận lên tiếng phản bác những hành động phi pháp này.

Mặt khác, Trung Quốc thường viện dẫn, thậm chí sử dụng vị thế, sức mạnh, để áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” phi lí của mình. Đây là điều trái với luật pháp quốc tế và bị thế giới bác bỏ.

- Trung Quốc tiếp tục đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” và cố tình bành trướng nhằm độc chiếm Biển Đông. Nhiều ý kiến cho rằng những hành động gây hấn của Trung Quốc là để tạo áp lực “bắt buộc” các nước phải công nhận “đường lưỡi bò” phi pháp. Đại sứ có bình luận gì?

- Câu chuyện cần nhấn mạnh ở đây là luật pháp quốc tế và luật pháp quốc tế phải được tuân thủ, dù đó là ai. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc không chỉ trái với luật pháp quốc tế, mà còn làm phức tạp thêm tình hình, vì nó xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước, mưu toan biến những vùng biển hợp pháp của nước khác thành khu vực của Trung Quốc hay khu vực có tranh chấp.

Hơn nữa, chính “đường lưỡi bò” phi lí và chính sách áp đặt bằng sức mạnh nêu trên đã làm gia tăng căng thẳng, mở rộng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, tự do hàng hải trên Biển Đông, tới việc hợp tác, xây dựng lòng tin ở khu vực. Đây là điều không ai có thể chấp nhận. Dư luận thế giới, các nước trong và ngoài khu vực, cộng đồng quốc tế đều phản bác, không chấp nhận yêu sách phi lý này của Trung Quốc.

Đại sứ Phạm Quang Vinh trao đổi với PV Dân trí về việc nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng biển phía nam của Việt Nam
Cũng phải nhấn mạnh rằng, Phán quyết của Tòa án quốc tế ngày 12/7/2016, nhất là phần đã tuyên về áp dụng Công ước Luật biển là một phần của luật pháp quốc tế và sẽ mãi giữ nguyên giá trị pháp lý, trong đó khẳng định Công ước Luật biển không chấp nhận “các yêu sách lịch sử” và hoàn toàn bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Biển đông là khu vực địa chiến lược, rất quan trọng về giao thông hàng hải, hàng không và thông thương thương mại, kinh tế quốc tế. Do đó, tất cả các nước đều có lợi ích và cần nỗ lực đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh hàng hải ở Biển Đông.

- Năm 2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 tới vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lần này, Trung Quốc điều nhóm tàu đi sâu vào thềm lục địa và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những vi phạm trắng trợn của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ, thưa Đại sứ?

- Chúng ta không nên võ đoán, nhưng có một điểm cần lưu ý là Trung Quốc đã nhiều lần vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm vùng biển các nước. Một khi có vi phạm đối với chủ quyền biển đảo của mình thì chắc chắn chúng ta phải bảo vệ, lên tiếng với Trung Quốc, với khu vực và cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 19/7 là rất xác đáng, thể hiện rõ chính nghĩa, chủ trương hòa bình, kiên quyết bảo vệ các vùng biển hợp pháp của mình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với việc luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Hành động của Trung Quốc xâm phạm vùng biển hợp pháp của các nước, mưu toan biến những vùng biển hợp pháp của nước khác thành khu vực của Trung Quốc hay khu vực có tranh chấp
Mặt khác, như trên đã nhấn mạnh, Biển Đông không chỉ là lợi ích của các nước trong khu vực mà còn là lợi ích của tất cả các nước trên thế giới. Vì vậy, để bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông đòi hỏi các nước đều phải có trách nhiệm, có tiếng nói.

Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai rất phù hợp, khéo léo và kiên quyết, tổng hợp các biện pháp, thể hiện được sự chính nghĩa, chủ trương hòa bình, hòa hiếu và nhấn mạnh luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển.

- Trên thực tế, Bắc Kinh “phớt lờ” quan điểm và thiện chí của chúng ta về hòa bình, hòa hiếu. Đông đảo nhân dân Việt Nam đang kỳ vọng về những hành động mạnh mẽ để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn những hoạt động phi pháp. Theo Đại sứ, Việt Nam cần phải làm gì?

- Chúng ta cần phải đặt lại câu hỏi mà báo nêu trên, cái chính, đó là làm sao vừa giữ hòa bình, vừa bảo đảm chủ quyền biển đảo hợp pháp của mình. Có nhiều việc phải làm, nhưng có ba việc rất quan trọng cần làm trong bối cảnh hiện nay.

Một là, Việt Nam phải kiên trì đối thoại với Trung Quốc, nói rõ chủ trương hòa bình, quan hệ, nhưng chúng ta cũng cần phản bác và nói rõ vi phạm, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các vùng biển hợp pháp của Việt Nam. Hai là, công luận, áp lực của quốc tế là rất quan trọng, vì vậy chúng ta cần phải tiếp tục thông tin, vận động công luận, cả với khu vực và thế giới, phản đối những hành vi vi phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế. Ba là, lực lượng chức năng của Việt Nam phải tiếp tục hiện diện và thực thi pháp luật trên biển.

Trung Quốc cũng phải thể hiện trách nhiệm, cũng là vì chính lợi ích, vị thế, môi trường cho phát triển của mình, thì Trung Quốc phải tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng lòng tin và xây dựng môi trường láng giềng hòa bình - thân thiện trong khu vực một cách thực chất và hiệu quả.

- Mới đây lực lượng Tuần duyên Mỹ khẳng định cam kết hợp tác chặt chẽ với Cảnh sát biển Việt Nam đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tăng hiện diện quân sự, đồng thời sẽ có những động thái cụ thể nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm của Trung Quốc. Đại sứ đánh giá như thế nào về sự hợp tác này?

- Ở đây có hai việc cần phân biệt rất rõ: Một là, hợp tác chung, vì hoà bình, ổn định ở khu vực, ta đã làm với nhiều nước, cả với ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ... Hai là, ta nhất quán chủ trương không đi với nước này để chống lại nước khác.

Chính sách quốc phòng an ninh của chúng ta là hoà bình, tự vệ và bảo vệ tổ quốc. Ta đã tranh thủ nhiều nước để xây dựng năng lực của mình bao gồm cả về năng lực an ninh hàng hải, chấp pháp trên biển. Ta cũng tham gia các hoạt động hợp tác của ASEAN ở khu vực.

ASEAN, các nước trong và ngoài khu vực đã có nhiều hình thức và đang đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác trên biển, nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, ứng phó với các thách thức, nhất là an ninh phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, ứng phó thiên tiên, chống cướp biển hay các loại tội phạm khác.

Biển Đông không chỉ là lợi ích của các nước trong khu vực mà còn là lợi ích của tất cả các nước trên thế giới. Vì vậy, để bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông đòi hỏi các nước đều phải có trách nhiệm, có tiếng nói.
Cần nhấn mạnh thêm ở đây là các nước cần nỗ lực, hợp tác đóng góp vào duy trì và bảo đảm trật tự, hoà bình, an ninh trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét